SƠ LƯỢC LỊCH SỬ - VĂN HÓA XÃ ĐỨC CHÍNH
Lịch sử hình thành
Xã Đức Chính trước Cách mạng tháng 8 thuộc tổng Đan Tràng, năm 1925 tổng Đan Tràng gồm 8 xã: Chi Các, Đan Tràng, Dịch Hòa, Địch Tràng, Đồng Niên, Hậu Trung, Lôi Xá, Xuân Đài.
Tháng 3 năm 1946 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Khóa I) Quyết định thành lập các xã mới. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban kháng chiến huyện Cẩm Giàng, căn cứ vào tình hình, đặc điểm, dân số, ruộng đất đã quyết định thành lập xã mới lấy tên là Đức Chính.
Xã Đức Chính bao gồm 4 xã của tổng Đan Tràng đó là: Đan Tràng, Địch Tràng, Lôi Xá, Xuân Đài và 1 xã Hảo Hội thuộc tổng Lai Cách. Trong xã cũ có các thôn nhỏ cụ thể: Xã Đan Tràng gồm 3 thôn Yển Vũ, Tự Trung và An Lãng; Xã Lôi Xá gồm 2 thôn Phú Quý và Tiên Kiều.
Hòa bình lập lại 1954 xã Đức Chính gồn 7 thôn đó là: Yển Vũ, Đan Tràng, Địch Tràng, An Lãng, Xuân Kiều, Lôi Xá, Hảo Hội. Ngày 25 tháng 3 năm 1974 xã tiếp nhận xóm đông thôn An Trang và thôn Hương Phú thuộc xã Cẩm Sơn cũ thành lập 1 thôn mới lấy tên là Thôn An Phú. Năm 1988 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của xã viên HTX ngư nghiệp Xuân Đài, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 536/QĐ - UBND ngày 15/9/1988 cấp đất ở cho các gia đình xã viên HTX ngư nghiệp Xuân Đài xã Đức Chính, huyện Cẩm Bình. Ngày 12/10/1988 UBND xã Đức Chính ra quyết định thành lập thôn mới, thôn thứ 9 xã Đức Chính lấy tên là thôn Xuân Đức.
Ngày 10 tháng 9 năm 2019 UBND tỉnh Hải Dương ký quyết định số 3140/QĐ-UBND về việc sát nhập 2 thôn An Lãng và Tự Trung thành thôn Đan Tràng; thôn Xuân Đức với thôn Hảo Hội thành thôn Hảo Hội Xuân
Đến nay xã Đức Chính có diện tích tự nhiên 719,57 ha, xã gồm 7 thôn đó là: Yển Vũ, Đan Tràng, Địch Tràng, An Phú, Xuân Kiều, Lôi Xá, Hảo Hội Xuân.
Truyền thống Văn hóa.
Xã Đức Chính nằm ở phía Đông - Bắc huyện Cẩm Giàng. Cách trung tâm huyện 5,5 Km và tiếp giáp với thành phố Hải Dương, xã có đường 194B nối từ cảng Tiên Kiều với quốc lộ số 5; có đường liên huyện nối Đền Bia với thành phố Hải Dương.
+ Phía Đông giáp phường Việt Hòa thành phố Hải Dương;
+ Phía Tây giáp xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ;
+ Phía Nam giáp xã Cao An;
+ Phía Bắc giáp Sông Thái Bình.
Với vị trí có đường giao thông thủy, bộ thuận tiện do vậy xã Đức chính là xã có điều kiện phát triển kinh tế, có vị trí chiến lược về quân sự và chính trị. Toàn xã có 340 ha đất nông nghiệp trong đó có 140 ha đất bãi ngoài đê sông Thái Bình rất thuận lợi cho phát triển sản xuất các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao đặc biệt là cây cà rốt, dưa hấu...
Nhân dân Đức Chính vốn cần cù lao động, từ đời này qua đời khác họ đã đem biết bao công sức, trí tuệ của mình để đấu tranh, giành giật cuộc sống với thiên nhiên, kẻ thù, giặc ngoại xâm giữ đất, giữ làng xây dựng nên đồng ruộng, làng xóm, đê điều, đường xá, đình chùa ..... Mặc dù xã Đức Chính không phải là nơi danh lam thắng cảnh nhưng có nhiều cảnh đẹp như đình, chùa, miếu mạo cổ kính theo kiếu kiến trúc xưa.
Người Đức Chính có truyền thống yêu lao động nghề sống chính là sản xuất nông nghiệp, nghành nghề truyền thống xưa là trồng thầu dâu để ép dầu, trồng dâu nuôi tằm ươm tơ ở thôn Tiên Kiều, trồng mía lấy mật ở thôn Đan Tràng, trồng bông kéo sợi ở thôn Lôi Xá. Đặc sản nổi tiếng của xã xưa kia đã trở thành câu ca dao:
"Chè đỗ ván, mật quán đống dưa"
"Dù ai buôn bắc bán đông.
Đến ngày hội chợ Cầu bông thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề.
Cầu bông hội chợ thì về mua bông."
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp người dân Đức Chính có chí hiếu học. Giữa thế kỷ thứ 15 (1450) tại thôn Lôi xá Cụ Nguyễn Từ Liêm thi đỗ tiến sỹ, được cử đi xứ sang Trung Quốc, trở về làm giám sinh giảng dụ trong triều. Cụ Lê Cảnh Chinh đỗ tiến sỹ, giữ chức hàn lâm thi chế trong triều. Cụ Lê Cảnh Tường có tài về quân sự lập nhiều công hiển hách được triều đình phong chức thượng tướng quân, tước Cẩm vinh hầu. Họ trần 6 đời đều có người đỗ cử nhân. Thôn Tự Trung có cụ Nguyễn Trọng Côn thi đỗ tiến sỹ làm quan trong triều đình, kế tiếp trong xã nhiều người có tài văn hay chữ tốt làm quan trong phủ, trong tổng thi đỗ khóa sinh hay thầy thuốc.
Đất nước thống nhất, cùng với cả nước, nhân dân xã Đức Chính bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Từ sau đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, với bản chất cần cù, chịu khó, sáng tạo song cũng rất năng động, nhân dân xã Đức Chính đã nhanh chóng tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên năng suất, chất lượng sản phẩm đã tăng lên đáng kể. Kinh doanh, dịch vụ phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, dân trí được nâng cao. Trong xã hộ khá và giầu tăng nhanh, hộ nghèo giảm. Đến năm 2022, hộ khá và giầu đạt trên 60%, chỉ còn dưới 1% hộ nghèo; Hiện nay, 60% số hộ có nhà kiên cố cao tầng, còn lại là nhà mái bằng, nhà ngói, không có nhà tranh tre vách đất. 100% đường giao thông trong thôn và một số tuyến đường chính nội đồng được bê tông hóa. Các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang như: Nhà văn hóa, đình, chùa của các thôn để nhân dân sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn hóa tâm linh. Trong xã, 100% số hộ có đủ 3 công trình vệ sinh, 100% số hộ sử dụng nước sạch.
Hệ thống điện thắp sáng được kéo đến từng ngõ xóm, 100% trẻ em đến tuổi được đến trường, hệ thống y tế đảm bảo không có dịch bệnh xảy ra, các hộ trong xã đều có phương tiện đi lại và nghe nhìn hiện đại.
Đến nay xã có 07/07 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa, đạt tỷ lệ 100%. Năm 2014 xã Đức chính đạt chuẩn Nông thôn mới, năm 2019, xã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2020 Đảng bộ và nhân dân xã nhà đang quyết tâm phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ngày 30 tháng 7 năm 2021 UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 2131 công nhận xã Đức Chính đạt chuẩn " Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020". Năm 2022 xã Đức chính vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba;